Đau cơ ở cổ là một căn bệnh thường thấy mà mọi người hay mắc phải, nó gây cho người bệnh cảm giác rất khó chịu. Trên thực tế, các cơn đau ở cổ thường bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân ví dụ như: tư thế ngủ không phù hợp, xoay cổ không đúng khi luyện tập thể dục thể thao… có người chỉ bị đau một bên có những người đau cả hai bên cổ, cơn đau có thể tại vùng cổ, ở vai và cũng có thể lan xuống tới cả cánh tay.
Nguyên nhân của đau cơ cổ
Ngày nay, mặc dù với những kỹ thuật y khoa tiên tiến thì việc xác định chính xác nguyên nhân của các cơn đau này cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đa số các trường hợp, đau cơ ở cổ có thể là triệu chứng của rất nhiều nguyên nhân dưới đây:
– Hoạt động quá năng động, vượt quá mức cần thiết hoặc làm sai phương pháp như các hoạt động lặp đi lặp lại nhiều lần hay nâng vật nặng quá mức.
– Bị chấn thương, tổn thương hoặc gãy xương.
– Tình trạng thoái hóa cột sống, thường gây ra do sự căng thẳng ở các cơ và dây chằng có chức năng nâng đỡ xương sống, hoặc do ảnh hưởng của sự lão hóa.
– Viêm nhiễm các cơ vùng cổ.
– Những phát triển bất thường như khối u hoặc có cảm giác đau nhức trong xương.
– Các cơ không rắn chắc.
– Căng hoặc co thắt ở cơ.
– Tư thế ngủ không phù hợp.
– Sử dụng bàn phím máy tính trong thời gian quá dài cũng có thể gây ra những tổn thương cho cổ.
Những biểu hiện chính của cơn đau cơ ở cổ là gì?
Thông thường, những cơn đau sẽ xảy ra ở khu vực xung quanh cổ và ảnh hưởng đến vùng cơ của cổ, cơn đau có thể khu trú tại chỗ hay lan tỏa đến vai hoặc vùng xương dẹt giữa hai vai. Chúng còn có thể phát triển rộng xuống cánh tay, chân hoặc lan lên vùng đầu, gây đau nửa đầu hoặc đau cả hai bên. Phần cơ ở cổ sẽ bị căng, đau, sờ vào thấy cứng, các cơn đau buốt có thể gia tăng bất thường nếu thay đổi tư thế cổ trong trường hợp quay đầu về một bên, tình trạng này vẫn thường được dân gian gọi là chứng “vẹo cổ”. Cơn đau này có thể xuất phát ở phần đáy sọ, có thể kèm theo cảm giác đau và yếu ở hai vai, tay. Trong cơn đau, người bệnh có cảm giác đau rát như bị kim châm hoặc ngứa ran ở tay và các ngón tay.
Làm sao để phòng ngừa?
– Thả lỏng hai vai, hạ cằm và giữ thẳng đầu để giúp cổ luôn chắc chắn, thẳng và được thoải mái.
– Khi ngủ cần nằm gối thấp, tránh nằm sấp khi ngủ.
– Cần tránh sự căng thẳng trong công việc và trong sinh hoạt hàng ngày.
– Khi làm việc, tránh cúi đầu quá thấp hoặc nghiêng đầu sang một bên quá lâu.
– Luôn thay đổi vị trí và thả lỏng các cơ, căng duỗi cơ thể thường xuyên.
– Thường xuyên luyện tập thể dục, giúp các khớp xương và phần cơ ở cổ được dẻo dai và khỏe mạnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét